Sẵn sàng chiến đấu, giữ yên vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Giới thiệu sơ qua về đơn vị, Thượng tá Nguyễn Xuân Phương - Hải đội trưởng Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Nghệ An cho biết: “Hải đội 2 là đơn vị tàu thuyền cơ động chiến đấu, quản lý vùng biển Nghệ An với diện tích 32 hải lý. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biển; Tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển”. Giữ yên vùng biển Đóng quân nơi cửa biển, vị mặn mòi của biển cả ngấm vào da thịt, ngấm cả vào cách nói chuyện hào sảng của cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Nghệ An. Họ - từ nhiều nơi đã tụ hội về đây, sống với biển, chiến đấu trên biển để thực hiện nhiệm vụ của người lính canh giữ bình yên vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển và bảo vệ bờ biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hải đội 2. Với hơn 80km bờ biển, trải dài trên diện tích 32 hải lý trong khi phương tiện tuần tra chưa được trang bị một cách hiện đại và đồng bộ là một thách thức không nhỏ cho các cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2.
Thượng tá Nguyễn Xuân Phương - Hải đội trưởng Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Nghệ An. Cách đây ngót 20 năm, tình hình buôn lậu trên biển hết sức nóng bỏng. Các đối tượng thường lợi dụng những cơn áp thấp nhiệt đới để xuất phát, trang bị cả vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc, tàu thuyền hiện đại. “Mỗi khi nhận được tin báo, dù mưa bão hay đêm tối, chúng tôi ngay lập tức xuất quân. Các đối tượng buôn lậu thường hung hãn, ngoan cố chống trả lực lượng chức năng. Đã có những đồng chí bị thương trong quá trình chiến đấu nhưng vẫn cố gắng áp sát tàu, khống chế từng đối tượng”, đại úy Trần Công Dần, người đã có thâm niên 20 năm bám biển nhớ lại. Trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp thì nhiệm vụ của Hải đội 2 nặng nề hơn. Trong đó, tình trạng tàu thuyền nước ngoài công suất lớn tìm cách xâm phạm chủ quyền vùng biển, đánh trộm hải sản tại các ngư trường của ta, thậm chí gây hấn tàu thuyền của ngư dân ta trên vùng biển đánh cá chung. Những lúc như vậy, chiến sỹ Hải đội 2 trở thành những người “bạn thuyền”, xua đuổi tàu lạ, bảo vệ người và tài sản cho ngư dân. Họ - những người lính biển trở thành vành đai bảo vệ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vượt sóng dữ cứu tàu bị nạn Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Nghệ An. Là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão trên biển, trung bình mỗi năm Nghệ An đón 10-12 cơn bão lớn. Cùng với các lực lượng khác, Hải đội 2 có nhiệm vụ ứng trực, sẵn sàng ứng cứu, tổ chức cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp sự cố trên biển.
Đại úy Trần Công Dần điều khiển tàu cứu nạn, hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên biển. Có những đợt mưa bão, khu vực ngư dân xảy ra tai nạn đắm thuyền quá xa. Nhận được tin báo, bất kể đêm tối, bão bùng, những biên đội Hải đội 2 lại tức tốc vượt sóng dữ lên đường. Đại úy Trần Công Dần kể: “Sóng lớn, tàu bị dồi lên dập xuống lắc lư dữ dội. Anh em say sóng lả cả người nhưng đến khu vực tàu ngư dân bị nạn, nhìn thấy niềm vui lóe sáng ở những khuôn mặt mệt mỏi, kiệt sức và đầy vẻ sợ hãi, mọi người như được tiếp thêm động lực để triển khai công tác cứu nạn”. 15h ngày 18/11/2013, Hải đội 2 nhận được tin báo tàu cá mang số hiệu HT1018TS gặp nạn phía tây đảo Ngư, trên tàu có 5 ngư dân. Một biên đội 2 tàu tức tốc được điều tới hiện trường. Khi lực lượng cứu hộ ra đến nơi, nước đã ngập 2/3, tàu có nguy cơ chìm xuống biển. Một mặt tổ chức đưa ngư dân sang tàu cứu hộ, một mặt chằng kéo neo tàu bị nạn, dùng máy bơm hút nước và lai dắt về đất liền bàn giao cho chính quyền địa phương. Vậy nhưng không phải lần nào việc cứu hộ cũng có kết quả như mong muốn. Để mỗi ngư dân, mỗi tàu đánh cá phải nằm lại dưới biển đó là sự day dứt đến bạc đầu của những người “gác biển” nơi đây. Mỗi lần nhắc tới câu chuyện cứu hộ tàu Tân An, thượng tá Nguyễn Xuân Phương không khỏi ngậm ngùi.
Cán bộ chiến sỹ Hải đội 2 tuần tra trên biển (ảnh tư liệu) “Ngày 29/10/2013, chúng tôi nhận được tin báo về sự mất tích của tàu Tân An. Trên tàu có 10 thuyền viên là người Quỳnh Lưu (Nghệ An). Lực lượng cứu hộ được điều đi ngay trong đêm nhưng do khu vực bị nạn quá xa nên khi tới nơi thì không phát hiện được dấu vết. Sóng to, gió lớn, mặc dù có sự hỗ trợ của ngư dân nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đều thất bại. Mở rộng khu vực tìm kiếm, “quần nát” cả một vùng biển rộng lớn đều không tìm được dấu vết của con tàu và 10 ngư dân. 10 ngư dân và tài sản tích góp cả đời của hộ đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển…”, thượng tá Phương kể. Trong câu chuyện của vị Hải đội trưởng có cả nỗi đau đớn, day dứt và bất lực trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Trong khi đó, sức người lại nhỏ bé quá! Biển vẫn thế, lúc dữ dội, lúc lại dịu dàng bao dung và nuôi sống hàng vạn ngư dân. Những đoàn thuyền đánh cá lại dong buồm ra khơi lúc đêm xuống và trở về khi binh minh lên, vững vàng và yên tâm bởi những ngư dân nơi đây luôn biết những người lính biển luôn dõi theo và có mặt vào những lúc họ cần nhất. Hoàng Lam
PhuthoPortal - Hơn một tháng qua, triệu triệu trái tim người Việt Nam cùng hướng về vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, dõi theo từng thông tin về vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cùng lực lượng lớn tàu thuyền đang gây hấn mỗi ngày trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giữa muôn trùng sóng gió, hiểm nguy, những người lính vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển. Ở quê nhà, những người ông, người bà, người cha, người mẹ luôn là hậu phương vững chắc, trở thành "cột trụ" vững vàng giúp người lính đảo yên tâm vượt qua mọi gian lao, hiểm nguy trước muôn trùng sóng gió nơi biển khơi.
Những lúc nhớ con trai đang công tác tại đảo Đá Tây, ông Cơ, bà Ti lại giở ảnh của con ra xem Trong cái nắng gay gắt của ngày hè, chúng tôi tìm về thăm gia đình ông bà Phạm Ngọc Cơ, khu 8, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, có con trai là Trung úy Phạm Xuân Oanh sinh năm 1980 đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Tây C, thuộc quần đảo Trường Sa đúng lúc hai ông bà vừa tuốt lúa xong. Thấy có khách bà giục ông vào nhà pha nước để bà gom rơm rạ lấy lối đi. Lập cập pha ấm trà mới, ông Cơ cho biết vừa mới đi lại được sau 7 năm ăn đâu nằm đấy bởi căn bệnh viêm đa khớp nặng. Năm nay 71 tuổi nhưng ông Cơ yếu lắm, ông bảo: Bao nhiêu năm tôi ốm, một mình bà lo tất cả việc đồng áng vườn tược và chăm sóc tôi, giờ đi lại được tôi cũng muốn làm giúp vợ nhưng sức khỏe yếu nên cũng chỉ làm được mỗi việc phơi lúa phơi rơm thôi. Bà Nguyễn Thị Ti, kém ông Cơ 10 tuổi, khỏe mạnh, một tay sốc vác hết việc nhà. Ông bà cho biết: Vợ chồng tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái đều đã lập gia đình và vào Nam sinh sống, nhà giờ chỉ còn hai thân già. Trong tất cả mấy đứa con, tôi thương thằng Oanh nhất. Tốt nghiệp phổ thông, Oanh đi nghĩa vụ rồi trở thành bộ đội hải quân nên cứ đi biền biệt, mỗi năm được về nghỉ phép, Oanh đều tranh thủ lúc thu hoạch lúa để về giúp đỡ bố mẹ, rồi lại vào đơn vị công tác ngay. Thương con, nhớ con nhưng cũng tự hào về con trai của mình, vì em đã lựa chọn con đường đúng để đi. Ngồi bên cạnh, nghe vợ nói, hai hàng nước mắt ông Cơ trào ra. Thấy vậy, bà xúc động đặt tay lên vai ông nhẹ nhàng: “Ông lại nhớ con nữa rồi, con vẫn khỏe, công tác tốt, ông yên tâm đi”. Những ngày qua, nghe thông tin về Biển Đông, hai ông bà cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng nhưng rồi trong lòng mỗi người, ai cũng hiểu, hơn bao giờ hết, bố mẹ càng phải cứng rắn, mạnh mẽ để con yên tâm cùng đồng đội bám biển, làm nhiệm vụ. Ông Cơ bộc bạch: “Trước khi ra đảo công tác, nó gọi điện về cho vợ chồng tôi động viên bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe vì nhiệm vụ nó không thể về thường xuyên, nhưng nó sẽ phấn đấu hết mình, hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao để bố mẹ luôn tự hào về nó”. Nghe con động viên vậy, tôi cố gắng vượt qua bệnh tật, không ngờ nằm bệt mấy năm giờ lại dậy đi lại được. Qua câu chuyện với gia đình, chúng tôi được biết vợ con Trung úy Phạm Xuân Oanh hiện đang sinh sống tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Những tưởng vào trong đó sinh sống cho có vợ có chồng nhưng vì nhiệm vụ trên Tàu vùng 440 nên anh Oanh cũng đi suốt. Bà Ti cho biết: “Năm kia tôi vào trong đó thăm các con các cháu nhưng không gặp được Oanh vì em bận nhiệm vụ. Cách đây chục hôm, Oanh có gọi điện về nhà phô chuyện có đoàn công tác của tỉnh ra đảo, em nó gặp được chú lãnh đạo cùng quê, hai chú cháu trò chuyện khá lâu. Từ hôm đó tới nay Oanh vẫn chưa gọi điện về lần nào nữa. Xem ti vi thấy tình hình biển Đông căng thẳng quá, tôi cũng thấy lo cho con đang ở ngoài đảo, mấy lần định gọi điện hỏi thăm tình hình của con nhưng ông nhà tôi can không cho gọi vì sợ con lại lo nghĩ bố mẹ già ở già bệnh tật ảnh hưởng đến công việc”. Lật giở lại tập ảnh của Oanh gửi về, ông Cơ khoe: Thằng Oanh nhà tôi thế mà giỏi lắm, nó còn được giải Nhất Hội thi chính trị tàu Vùng 440. Là thợ sửa máy tàu nên mỗi lần nó về thăm tôi hoặc gọi điện về, tôi đều nhắc nhở con phải học hỏi nâng cao tay nghề để sửa chữa tàu cho tốt. Mọi khi cứ cơm tối xong là con gọi điện, lần này hơn chục ngày rồi chưa thấy con gọi điện tôi cũng sốt ruột lắm. Dù thương nhớ con nhiều, nhưng chúng tôi luôn động viên con hãy vững tâm làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc, bố mẹ luôn ở bên con”. Rời nhà ông Cơ, trên đường ra trụ sở xã, tôi gặp cụ Đào Văn Cốc, ông nội của Trung uý Đào Văn Điệp đang làm nhiệm vụ ở nhà dàn DK1/11 vừa đi thăm đồng về. Ông cụ lưng còng vừa đi vừa nghe bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" từ chiếc đài nhỏ mà đợt về phép cưới vợ thằng cháu Điệp tặng - “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước. Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...”. Ông tâm sự: Thằng cháu tôi sinh năm 1985, làm nhiệm vụ báo vụ ở các nhà dàn. Trước Tết nó còn ở nhà Dàn DK1/18, ra tết lại chuyển sang DK1/11. Hơn tháng nay theo dõi tình hình biển Đông thấy căng thẳng tôi cũng lo cho đứa cháu đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Lần nào nó gọi điện về nhà, tôi cũng động viên cháu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển trời để giữ bình yên vùng biển của Tổ quốc, có lần tôi còn mở bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" để cháu nghe mà yên tâm công tác. Ở xã An Đạo, huyện Phù Ninh hiện có khoảng hai chục người đang làm nhiệm vụ ở Binh chủng Hải Quân các vùng trong đó có 3 người đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Động viên con cháu vững tâm làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, những người ông, người bà, người bố, người mẹ ở hậu phương, dù ốm đau bệnh tật vẫn gắng gượng vượt qua bệnh tật, làm điểm tựa để con cháu vượt qua khó khăn hiểm nguy hoàn thành tốt nhiệm vụ. Biển Đông vẫn đang dậy sóng, lòng người hậu phương cũng ngổn ngang bao nỗi lo lắng, nhưng khi Tổ quốc cần, những "cột trụ" nơi quê nhà vẫn một lòng mong muốn các con cháu hãy vững tâm làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lê Thương |